Đái tháo đường thai kì ngày càng được nhiều người quan tâm nhưng vẫn chưa thật sự hiểu vì sao cần thực hiện, thực hiện như thế nào mới chính xác, và quan trọng nhất có lẽ là chế độ ăn, sinh hoạt khi bị đái tháo đường thai kì. An clinic xin chia sẻ một vài thông tin cơ bản nhất về đái tháo đường thai kì trong bài viết dưới đây.
Đái tháo đường thai kì là gì?
Đái tháo đường thai kì là lượng đường trong máu cao phát hiện trong thời gian 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kì mà trước khi có thai không có. ( theo ADA 2019)
Bệnh xảy ra khi cơ thể bạn không sản xuất được Insulin- một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu- để đáp ứng nhu cầu bổ sung trong thai kì.
Biến chứng của đái tháo đường thai kì
Mẹ
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm nấm âm đạo.
- Tăng nguy cơ cao huyết áp thai kì, tiền sản giật, sản giật.
- Tăng nguy cơ đái tháo đường lần sau, đái tháo đường type 2 sau sinh.
Con
- Thai có nguy cơ bị dị tật, thai lưu, thai to, thai chậm tăng trưởng, giảm sự trưởng thành phổi.
- Đa ối.
- Sinh khó.
- Sinh non.
- Trẻ sau sinh dễ hạ đường huyết, suy hô hấp cấp, giảm dự trữ máu, hạ canxi máu, đa hồng cầu,tăng bilirubin máu.
- Trẻ dễ bị béo phì và đái tháo đường sau này.
Những người có nguy cơ đái tháo đường thai kì
- Lớn tuổi
- Chủng tộc
- Gia đình có người đái tháo đường.
- Đái tháo đường ở thai kì trước.
- Tiền căn sinh con to (>4000 g).
- Tiền căn thai lưu (đặc biệt 3 tháng cuối); sinh con dị tật.
- Béo phì, BMI > 25 kg m-2
Thời điểm thực hiện sàng lọc đái tháo đường thai kì
Ngay từ lần khám thai đầu tiên, các mẹ bầu sẽ được bác sĩ sản khoa đánh giá nguy cơ.
- Thai phụ không có yếu tố nguy cơ: Thử đường huyết lúc đói. Nếu kết quả bất thường (từ trên 92 mg/dL) phải tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp đường lúc thai từ 24 đến 28 tuần.
- Thai phụ có yếu tố nguy cơ: Thực hiện tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp đường trong lần khám thai đầu tiên hay trong 3 tháng đầu. Dù kết quả bình thường cũng nên lặp lại nghiệm pháp này lúc thai từ 24 đến 28 tuần.
Sàng lọc đái tháo đường thai kì
Điều kiện
Trong 3 ngày trước khi thực hiện,thai phụ ăn uống như chế độ bình thường, không ăn kiêng.
Vào ngày thực hiện nghiệm pháp:Thai phụ nhịn ăn và không sử dụng các loại thức uống có đường, sữa ít nhất 8 giờ trước khi thực hiện.
Cách thực hiện Test dung nạp 75g glucose đường uống (OGTT)
Thai phụ được lấy máu 3 lần (mỗi lần khoảng 2ml)
- Lần 1: ngay khi đến phòng khám
- Lần 2: 1 giờ sau khi uống Glucose ( 75g)
- Lần 3: 2 giờ sau khi uống Glucose
Tác dụng phụ của nghiệm pháp:
OGTT là nghiệm pháp an toàn, hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Trong quá trình thực hiện, bạn có thể gặp một số biểu hiện sau:
– Buồn nôn/nôn: thường xuất hiện trong 15 phút đầu sau khi uống dung dịch Glucose.
– Mệt, chóng mặt: biểu hiện của tình trạng hạ đường huyết do phải nhịn ăn và không sử dụng sữa hay các loại đồ uống có đường trong quá trình thực hiện.
Chẩn đoán dương tính khi có bất kỳ giá trị bằng hay hơn
- Đường huyết đói 92 mg/dL (5.1 mmol/L)
- Đường huyết 1 h: 180 mg/dL (10.0 mmol/L)
- Đường huyết 2 h: 153 mg/dL (8.5 mmol/L)
Điều trị và theo dõi cho thai phụ bị đái tháo đường thai kì
Chế độ ăn:
- Chia thành 6 bữa ăn: 3 chính + 3 phụ; lượng ăn vừa phải
- Cung cấp tối thiểu 175 gam carbonhydrat, 71 gam protein, 28 gam chất xơ mỗi ngày.
- Carbonhydrat giảm hơn 50% khẩu phần ăn thông thường. Lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường thấp hoặc vừa (bún, khoai lang), hạn chế thực phẩm làm tăng đường huyết nhiều (cơm, nếp).
- Với người BMI > 30kg/m2 : Lượng ăn tương ứng 25kcal/kg/mỗi ngày hoặc ít hơn. Tăng cường chất xơ trong rau xanh, cám gạo…Ưu tiên chất béo nguồn gốc thực vật.
- Bổ sung calci và vitamin D3
Chế độ vận động
- Tập luyện vừa phải
- Đi bộ sau ăn 20-30 phút giúp kiểm soát đường huyết sau ăn
- Tăng cường bơi lội.
- Không nên vận động khi có phù nhiều, không kiểm soát được huyết áp, đường huyết quá cao hoặc quá thấp
- Tránh vận động mạnh như quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, chạy
- Khi tập không nên để nhịp tim quá 140l/ phút và cũng không nên để tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài quá 20 phút/ lần.

Thuốc
- Sau 1 -2 tuần theo dõi nếu đường huyết không đạt mục tiêu thì phải dùng thuốc.
- Thuốc dùng trong thai kì: Insulin
- Cách tiêm:tự tiêm bằng bút tại nhà, tiêm vào lớp mỡ dưới da vùng bụng ( ưu tiên), mông, đùi, bắp tay. Nên thay đổi vị trí tiêm hằng ngày.
- Liều dùng: bác sĩ chỉ định tuỳ tình trạng
Lịch khám
- Khám thai: 2 tuần/ lần
- Khám chuyên khoa đái tháo đường: 2-4 tuần/ lần
Theo dõi tại nhà
- Thai máy
- Đường huyết: Đường huyết lúc đói vào buổi sáng, đường huyết sau ăn 2 giờ của 3 bữa chính.
Kiểm tra sau sinh
Xét nghiệm test dung nạp đường cho mẹ vào thời điểm 6-12 tuần sau sinh.

Đái tháo đường thai kì có thể mang đến các vấn đề cho bạn và em bé của bạn trong khi mang thai và sau khi sinh. Nhưng rủi ro sẽ được giảm đáng kể nếu phát hiện bệnh sớm và quản lí tốt hãy liên hệ: 0236 710 92 55 hoặc đặt lịch hẹn để được tư vấn chăm sóc thai kì, qua đó thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cần thiết và phù hợp nhất cho bạn để có một thai kì khỏe mạnh.