CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI MANG THAI

 Ngày nay, việc có thai và chăm sóc thai kì được các bạn trẻ chú trọng, tuy nhiên có một sự thật rằng để em bé khỏe mạnh phát triển và thai kì suôn sẻ thì cần chuẩn bị tinh thần và sức khỏe thật tốt ngay từ trước khi mang thai, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé

  1. Kiểm tra sức khoẻ trước khi mang thai.

Điều này là bước đầu tiên, quan trọng vì chính bạn là người mang thai nhưng lại không hiểu rõ sức khoẻ của bản thân, không biết rằng mình chính là nguy cơ lớn nhất cho con thì thật thiếu sót. Những xét nghiệm cơ bản trước khi mang thai hay mới mang thai nên làm là:

–         Công thức máu: sàng lọc bệnh thiếu máu di truyền

–         Nhóm máu: phòng trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con

–         Đường huyết: sàng lọc đái tháo đường

–         TSH, fT4: sàng lọc các bệnh lí về tuyến giáp

–         HbsAg: xét nghiệm viêm gan B

–         HIV, Giang mai: các bệnh đường tình dục

–         Sắt, ferritin, calci: để xác định xem có cần phải bổ sung không

–         Điện tim: khảo sát bệnh lí tim mạch

Đối với những bạn có tiền sử bệnh lí, tiền sử gia đình, tiền sử sản khoa xấu sẽ có những xét nghiệm chuyên sâu theo sự chỉ định của bác sĩ.

  1. Tiêm phòng trước khi mang thai

Việc tiến hành tiêm ngừa viêm gan B, sởi, quai bị, rubella, thuỷ đậu nên được xem xét là một phần quan trọng của chăm sóc tiền mang thai. Nên xét nghiệm đánh giá kháng thể nếu như không nhớ rõ đã tiêm phòng hay đã nhiễm bệnh hay chưa.

–  MMR ( sởi, quai bị, rubella) được khuyến nghị nên tiêm ngừa trước khi mang thai ít nhất 1 tháng ( theo CDC, 2020). Nhiều bạn hoang mang khi bs bảo 3 tháng mới được thả mà nay hơn 1 tháng đã dính bầu, trường hợp này cứ yên tâm là không sao cả nhé. Trường hợp tiêm xong phát hiện có thai, hoặc chưa được 1 tháng đã có thai, vì đây là vacxin chứa virus giảm độc lực nên vẫn có khả năng gây bệnh, nhưng không phải vì vậy mà lo lắng quá mức hay bỏ thai, vì tất cả chỉ là CÓ THỂ chứ không chắc chắn sẽ bị đâu, nên bạn cần theo dõi thai sát tại nơi uy tín là được ạ.

–  Viêm gan B là bệnh lí về gan phổ biến tại Việt Nam, nếu mẹ đã bị thì nên định lượng virus xem có đang ở trạng thái hoạt động không; nếu chưa bị thì nên định lượng kháng thể để tiêm phòng. Chưa có nhiều dữ liệu ghi nhận có bất kì ảnh hưởng nào lên thai nhi nếu người mẹ tiêm vacxin viêm gan B khi đã thụ thai ( theo CDC 2006).

  1. Chế độ ăn uống sinh hoạt trước khi mang thai

Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và uống vitamin trước khi mang thai.

Ăn như thế nào là đủ, cái này rất khó để tính toán, chỉ có những chuyên gia dinh dưỡng mới có thể biết rõ, với chúng ta, đơn giản nhất là hạn chế đồ ngọt, dầu mỡ, đồ công nghiệp, mỗi bữa ăn nên thay đổi đa dạng về thực phẩm.  Ngoài việc bổ sung vitamin trước khi mang thai, bạn nên ăn các thực phẩm giàu chất sắt như đậu, đậu lăng, ngũ cốc ăn sáng phong phú, thịt bò, thịt gà, gan và tôm. Bạn cũng nên ăn các loại thực phẩm giúp cơ thể hấp thụ sắt, bao gồm nước cam, bưởi, dâu tây, bông cải xanh và ớt chuông.

Vitamin trước khi mang thai, khuyến cáo uống trước ít nhất 1 tháng , bao gồm acid folic 400mcg + các khoáng chất cần thiết đối với phụ nữ khoẻ mạnh. Còn nếu bạn đã từng sinh con bị dị tật về hệ thống thần kinh thì nên bổ sung acid folic hơn 10 lần, thường là 5mg. Hãy thảo luận với bác sĩ xem bạn cần lượng acid folic như thế nào nhé.

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Đạt và duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bị thừa cân hay thiếu cân đều sẽ dễ có những hệ luỵ khi mang thai đấy nhé.
  • Ngừng sử dụng các chất không lành mạnh (thuốc lá, rượu, cần sa, ma túy) vì có thể gây ra dị tật cho thai, sẩy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân. Không những bạn mà kể cả chồng bạn và những người trong gia đình nên từ bỏ các chất độc hại trước khi bạn cố gắng mang thai. Hút thuốc, uống rượu và sử dụng ma túy có thể làm hỏng các tế bào tinh trùng của nam giới và có tác hại đối với thai nhi.
  • Dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ, hãy tập thói quen khi uống thuốc phải biết tên thuốc mình uống, phải đọc kĩ hướng dẫn sử dụng xem có chống chỉ định cho phụ nữ mang thai không nhé chứ nhiều bạn lo lắng bảo em uống thuốc abc rồi em phát hiện có thai không biết có ảnh hưởng gì con em không mà hỏi ra ngay cái tên thuốc cũng không biết thì làm sao có thể tư vấn đây nhỉ.
  • Giữ môi trường sống của bạn an toàn, tránh xa các hoá chất độc hại như chì, thuỷ ngân, thuốc trừ sâu, dung môi hoặc bức xạ tại nơi làm việc và nhà ở.

Tập thể dục là một cách duy trì trì sức khỏe tốt trước và trong khi mang thai.

  1. Đã từng có vấn đề khi mang thai những lần trước, vậy có ảnh hưởng gì lần này không?

Một số vấn đề mang thai có thể làm tăng nguy cơ gặp phải vấn đề tương tự trong lần mang thai sau. Những vấn đề này bao gồm thai dị tật, sinh non, huyết áp cao, tiền sản giật và tiểu đường thai kỳ. Nhưng có những vấn đề trong lần mang thai trước đây không có nghĩa là nó sẽ xảy ra lần nữa — đặc biệt nếu bạn được chăm sóc thích hợp trước và trong khi mang thai. Đừng để những nỗi đau trong quá khứ cứ ám ảnh làm bạn lo lắng về những việc chưa xảy ra trong tương lai, mình hay nói với các mẹ, nếu lo lắng nhiều mà có thể thay đổi hoặc làm con mình khoẻ lên thì cứ cố mà lo, còn nếu lo lắng nhiều không thay đổi được gì, có khi lại ảnh hưởng đến bé thì vì sao không cố gắng lạc quan hơn vì mang thai là một điều kì diệu, hãy để tâm trạng cảm nhận điều đó nhé.

Nếu bạn từng gặp các vấn đề và gặp khó khăn trong việc mang thai, hãy liên hệ 0236 710 92 55 để được tư vấn và ĐẶT LỊCH KHÁM .

 

 

Quý khách muốn được tư vấn và đặt lịch khám vui lòng liện hệ 0986 255 025 hoặc đăng ký trực tuyến để được tư vấn.

ĐẶT LỊCH HẸN

Vui lòng đặt lịch khám với chúng tôi trước để được phục vụ tốt hơn